Bạn cho rằng tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán ra sẽ chỉ có thể làm trong các công ty Kiểm toán như Big4 chẳng hạn? Bạn cũng nghĩ ngành tài chính khô khan và suốt ngày làm việc với số liệu? Không hẳn vậy đâu, bởi vì chị Lê Vũ – Khách mới của Vietsibility Podcast tập 4 sẽ nhanh chóng vén màn bí mật để cho các bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về người và nghề trong ngành tài chính nhé!
1. Chị có thể mô tả một chút về vị trí và công việc chị đang đảm nhận không ạ?
Nhóm nghề làm finance business partner cũng phải có cách đây khoảng tầm mười mấy năm rồi, phát triển lên từ những vị trí gọi là Finance Analyst, là những người phân tích tài chính. Khi làm ở vị trí này, các bạn sẽ phát triển rất nhiều kỹ năng, xây dựng những báo cáo để trả lời một câu hỏi cụ thể cho công ty, để giải quyết vấn đề về business (kinh doanh) chứ không phải vấn đề về tài chính nữa.
Chị nói ví dụ nhé: em sẽ hỏi là chị Lê ơi, công ty mình tự nhiên tháng này kiếm được 100 tỷ, trong khi dự báo chỉ 80 tỷ thôi, vậy thì mình tăng lên 20 tỷ, lý do là tại sao? Mình phải làm những báo cáo để giải quyết những vấn đề như thế. Khi mà ngành finance analysis phát triển lên thì nó lại phát triển ra nhiều hướng khác nữa, một trong số đó là finance business partner.
[…] Là một finance business partner, ngoài việc hiểu về finance, em phải rất hiểu về business và em phải hiểu về một chức năng mà em cung cấp, họ cần phải biết được là họ đang ở đâu, về mặt số liệu, họ đã làm được đến đâu rồi, và so với target (mục tiêu) mà họ được cho thì khoảng cách còn chừng nào. Khi làm một finance business partner thì các bạn phải quên đi cái việc các bạn là một người làm tài chính, mà các bạn phải nghĩ rằng mình là một người làm business chuyên ngành tài chính.
2. Chị có thể áng chừng được là bao nhiêu phần trăm của những gì chị học ở trường áp dụng được vào thực tế không?
Em hỏi câu hay lắm. Để chị chia sẻ thật với em là, khi mà các em mới học xong và đi làm, bọn em sẽ thấy những gì học không áp dụng được một xíu nào cả, nhưng mà bây giờ chị thấy áp dụng rất nhiều. Chị đã có một cuộc nói chuyện với một cô bạn làm giảng viên đại học, bởi vì chị rất tâm huyết về việc giảng dạy. Chị có nói với bạn chị là chị thấy cái ngành accounting finance dạy ở trường đại học rất là tệ, kể cả những trường đại học danh tiếng cao đi nữa thì vẫn không chuẩn bị cho các em tốt để các em sau này ra đi làm công ty phải train (đào tạo) rất nhiều, và các em không biết được là học ngành này ra để làm gì. Ngành Kế toán – Tài chính bây giờ thay đổi rất nhiều, một trong những lý do cho sự thay đổi là bởi vì ứng dụng của công nghệ dữ liệu vào trong ngành này. Bạn chị giải thích là: Đúng, nhưng thật ra học đại học là để cho bạn trở thành một người có tư duy và các bạn tự học được chứ không phải chúng tôi dạy bạn để ra hành nghề.
Chị thấy cũng đúng, bởi vì những cái chị học được trong trường đại học mà sau này chị áp dụng được là cái năng lực nhìn, phân tích và tổng hợp, chứ không phải là ra làm việc ngay lập tức. Và thường những năng lực này đến sau một vài năm chứ không phải khi mới bắt đầu đi làm. Phần lớn các bạn mới bắt đầu đi làm sẽ làm những vị trí thuần chuyên môn nhiều hơn, nhưng sau đó đến một mức nhất định thì các bạn sẽ đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải cố gắng trả lời câu hỏi này? Câu hỏi này có đáng cho doanh nghiệp nữa không?
Các em sẽ nghe được rất nhiều người nói rằng những gì mình học không liên quan, việc em học trường nào, em tốt nghiệp loại gì không quá quan trọng, nhưng đừng vì thế mà bỏ học, bởi vì “Đường dài mới biết ngựa hay” và sự nghiệp của các em còn rất là xa.
[…] Trong giai đoạn thử việc chị không học được nhiều bởi vì hiểu biết của chị về nghề chưa nhiều và hiểu biết về một công ty cũng chưa nhiều nữa. Cũng trong cùng một tổ chức mà em ở vị thế cao hơn, khi mà em có nhiều trải nghiệm thì em sẽ nhìn được tổng quan hơn rất nhiều. Trong ba năm đầu tiên đi làm, chị vào là làm việc được luôn, nhưng mà bây giờ chị cảm thấy khác. Đến một lúc nào đó khi em làm, nó không còn là hoạt động nữa mà hãy nghĩ đến việc em làm nó có tác động đến công ty hay không, thì những năm đầu đi làm chị thấy cũng chưa có tác động nhiều.
3. Khi chị đi làm thì điều gì mang đến cho chị niềm vui?
Thật ra thì chị không có một lý do đâu, chị có rất nhiều những lý do nhỏ vì thế nên chị tận hưởng công việc. Chị không muốn có một lý do duy nhất bởi vì mất cái đó thì mình không còn lý do đến công ty nữa.
Chị rất là thích bản thân công việc mà chị đang có, thích cái tổ chức mà chị đang làm việc bây giờ. Chị biết ABB là công ty mang đến những giá trị cho industry, là một công ty rất sáng tạo. Những khi được đào tạo về sản phẩm mới thì chị biết là: A, có thể là 5 năm tới đây thôi, ABB sẽ là nguồn mang đến cái này cho toàn thế giới. Nó không chỉ có một nhà khoa học nghĩ ra mà nó còn là công sức của cả bộ máy.
Thực ra chị rất thích làm việc với những tổ chức mà triết lý kinh doanh của họ đi liền với triết lý của mình.
Chị cũng rất thích những người đồng nghiệp làm việc cùng nữa. Thật ra, việc này rất quan trọng. Khi mà các bạn trẻ mới bắt đầu ra trường thì các bạn không quá quan trọng người mà các bạn làm cùng là ai. Phần lớn khi đó các bạn sẽ quan trọng công ty và công việc hơn. Việc đấy cũng đúng thôi bởi vì các em mới ra trường, chấp nhận làm việc trong môi trường không phải là comfortzone (vùng an toàn) cũng là việc hay. Nhưng có lẽ là vì chị đang ở giai đoạn muốn dồn một ít năng lượng cho hạnh phúc cá nhân, cho gia đình, cho nên đối với chị một trong những yêu cầu là chị phải thích cái người mà chị làm việc cùng. Rất nhiều lý do nho nhỏ làm cho chị thích khi chị đi làm.
4. Ngành tài chính nổi tiếng là thế giới của đàn ông, chị thấy đúng hay sai?
Hoàn toàn chính xác, thật ra ngành tài chính có một số nhánh rất lớn, đầu tiên là audit (ngành kiểm toán), thứ hai là tài chính trong doanh nghiệp, nhánh thứ ba là thuế, thứ tư là làm tài chính trong một công ty chuyên về tài chính. Riêng nhóm thuế và audit thôi là đã bị chiếm lĩnh bởi đàn ông. Nhưng chưa xong, đàn ông, người da trắng, và xuất phát điểm là middle class (tầng lớp trung lưu) trở lên nha. Middle class nghĩa là bạn không phải là thế hệ đầu tiên trong gia đình đi học đại học, hoặc là bạn có plan parenthood, nghĩa là bạn lên kế hoạch khi nào có con chứ không phải là bạn có con rồi mới báo tin mừng, hoặc là bạn kết hôn, bởi vì tỉ lệ kết hôn của middle class rất là cao.
[…] Một sự thật là, nếu như cùng làm một công việc như nhau, cùng là năng lực như nhau, cùng là bằng cấp như nhau, cùng là kiếm tiền về công ty như nhau, thì người đàn ông vẫn được trả lương cao hơn người đàn bà. Theo thống kế trung bình người đàn ông vẫn kiếm được nhiều tiền hơn người đàn bà, hoặc là cùng trong những người phụ nữ như nhau, thì chị em mình thuộc trong nhóm thiểu số, thì vẫn kiếm được ít tiền hơn so với những phụ nữ da trắng. Hay thậm chí là trong cùng nhóm Á châu thôi thì chị em mình vẫn thuộc nhóm thiểu số so với phụ nữ Ấn Độ, hay Trung Quốc.
5. Chị cảm thấy Work-life-balance của chị từ 1 đến 10, 1 là không tốt 10 là rất tốt, chỉ nghĩ mình đang ở điểm số mấy?
Chị nghĩ là đang ở điểm số mười. Tài chính thật ra cũng có một số ngành mà work-life-balance rất tệ, nhưng mà chị thì không. […] Ngành tài chính có 3 phân khúc chính, đầu tiên là em làm trong Practice, ví dụ như em làm trong công ty mà sản phẩm là dịch vụ tài chính kế toán, em làm kiểm toán trong các công ty Big4, em làm cố vấn thuế trong dịch vụ kế toán. Khối thứ hai là khối Industry, nghĩa là em làm tài chính trong các công ty khác nhau, ví dụ như công ty về beauty, về chăm sóc sức khỏe… Và khối thứ ba là non-profit và government owned (thuộc nhà nước), có thể là làm trong chính phủ, những tổ chức phi lợi nhuận. Non-profit thì cũng có privat non-profit như hội tự thiện và public non-profit như các bệnh viện chẳng hạn.
Khi nói về work-life-balance thì cái khối đầu tiên có work-life-balance tệ nhất, và khối đấy mang hết tiếng xấu về cho ngành finance luôn. Chị hiện tại thì đang ở khối industry, còn cái bên mà work-life-balance lên đến chín tầng mây là khối thứ ba: public hoặc non-profit. Có một câu nói vui mà sếp chị hay nói là các bạn làm trong khối đó thì các bạn không phải đi làm mà các bạn đang đi nghỉ dưỡng. Áp lực nó cũng nhàn nữa.
Rất cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị Lê Vũ về công việc và cuộc sống trong ngành tài chính. Còn rất nhiều câu hỏi thú vị được giải đáp một cách tận tình và dí dỏm bởi chị Lê Vũ trong tập podcast Vietsibility số 4 – Ngành tài chính: Chuyện người chuyện nghề. Hãy cùng lắng nghe thêm trên kên podcast của Vietsibility nhé!