Trong hai bài trước, chúng mình đã đề cập đến cơ hội công tác tại các phòng ban khác nhau cho các bạn BWL. Trong bài này, chúng mình sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn hai ngành kinh tế lớn ở Đức mà các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp có thể cân nhắc. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị khách mời đang công tác trong các lĩnh vực này, chúng mình hi vọng sẽ truyền tải được cách mà kiến thức mà BWL có thể thiên biến vạn hóa tùy theo nhu cầu của ngành nghề, cũng như những thách thức và lợi thế của mỗi ngành.
1. Tài chính quản lý quỹ
Lĩnh vực đầu tiên mà chúng mình muốn đề cập đến là nhóm ngành tài chính, quản lý quỹ. Chia sẻ kinh nghiệm với VSNE là chị Nguyễn Hoàng Vân Anh, Analyst Asset & Portfolio Management Real Estate tại Aquila Capital, Hamburg.
Ngành Tài chính có những điểm đặc trưng gì mà chị nghĩ là các bạn trẻ cần biết?
Ngành tài chính khá rộng lớn, có nhiều nhánh và công việc khác nhau. Không phải công việc nào cũng crazy như trong phim Sói già phố Wall đâu :D. Trader chỉ là 1 công việc trong số đó nên nếu có cơ hội, các bạn nên tìm hiểu tính chất mỗi công việc cụ thể để định hướng nghề nghiệp cho mình.
Các bạn có thể làm tài chính cho 1 công ty nào đó (Corporate Finance), phụ trách việc thu chi, vốn liếng của doanh nghiệp hoặc làm tài chính cho mảng đầu tư (Investment Finance) như quỹ, ngân hàng hoặc làm dịch vụ tài chính (Financial Services) như buôn bán sát nhập, định giá tài sản.
Tuy nhiên để mô tả ngành tài chính, có thể hiểu đơn giản là bạn đang làm việc trên số tiền của người khác, tiền của doanh nghiệp, tiền của nhà đầu tư, tiền của khách hàng etc. Khi bạn giao tiền cho ai đó, bạn yêu cầu những gì thì họ cũng sẽ yêu cầu bạn như thế hoặc cao hơn vì họ trả lương cho bạn mà.
Các key words trong ngành này có thể liệt kê như sau “Cẩn thận”, “Số liệu”, “Logic”, “Deadline”, “Cạnh tranh”.
Tôi thường thích làm các công việc có tính chất theo dự án như gọi vốn đầu tư, mua bán sáp nhập vì các công việc này không bị lặp lại, có nhiều cơ hội gặp gỡ nhiều người và học thêm nhiều điều mới nhưng lại có nhược điểm là khá vất vả, yêu cầu luôn tìm tòi học hỏi.
Ngoài kiến thức cơ bản học ở trường thì chị còn phải trang bị thêm các kỹ năng/kiến thức chuyên biệt gì của lĩnh vực này?
Key word “Cạnh tranh” khá đúng với thị trường lao động trong lĩnh vực này vì chênh lệch cung cầu: Vị trí tuyển dụng ít mà số lượng ứng viên lại nhiều nên nhà tuyển dụng khá tham lam khi luôn ưu tiên các ứng việc có khả năng làm được nhiều thứ “Multifunctional” và “nhạy bén” trong công việc. Vì thế, học giỏi trong trường là bắt buộc nhưng không đủ: bạn nói được bao nhiêu ngôn ngữ, bạn biết dùng các phần mềm gì, bạn có khả năng thuyết trình, bạn có khả năng tạo mối quan hệ, bạn có khả năng làm việc độc lập, bạn có hay cập nhật tin tức etc. Nói chung “Active” là tính cách khá quan trọng.
Bạn có lời khuyên gì cho một bạn sinh viên muốn lập nghiệp trong lĩnh vực Tài chính
Nếu các bạn thích một công việc hơi vất vả nhưng không giờ nhàm chán và có nhiều cơ hội thăng tiến thì bạn chọn đúng hướng rồi. Cố lên!
Tôi luôn khuyên các bạn sinh viên nên bắt đầu nộp đơn đi làm sớm nhất có thể (werkstudent, thực tập), tham gia hội nhóm, các cuộc thi, học thêm ngoại ngữ (tiếng Anh, Đức, Pháp), etc. Bạn càng có nhiều câu chuyện thú vị để kể thì khả năng có người lắng nghe bạn càng cao. Hãy tưởng tượng mình là nhà tuyển dụng, 1 ngày nhận 100 hồ sơ, ai cũng xếp loại giỏi trong trường, điều gì sẽ thu hút bạn cho hồ sơ thứ 101: anh ấy từng tự làm website? Anh ấy tổ chức 1 sự kiện từ thiện? Anh ấy nói được 3 ngoại ngữ, etc. Ngoài ra, các bạn có thể học thêm các chứng chỉ quốc tế CFA (Chartered Financial Analyst), CAIA (Chartered Alternative Investment Analyst) để hoàn thiện kiến thức và hồ sơ của mình.
2. Kế toán, kiểm toán, khai và tư vấn thuế
Tiếp đến, chúng mình sẽ cùng chị Huyền Nguyễn tìm hiểu các đặc trưng của nhóm ngành kế toán, kiểm toán. Chị Huyền có kinh nghiệm công tác ở hai tập đoàn lớn là KPMG và PwC. Hiện chị đang công tác ở bộ phận Capital Markets & Accounting Advisory Services (CMAAS) của PwC.
Ngành Kiểm toán có những điểm đặc trưng gì mà bạn nghĩ là các bạn trẻ cần biết?
Ai làm trong ngành kiểm toán (audit) cũng biết đến Big4: KPMG, PwC, EY và Deloitte (Wirtschaftsprüfungsgesellschaft, “WP”). Đây là 4 công ty lớn nhất trên thế giới trong ngành và có mặt hầu hết ở tất cả các quốc gia. Họ hoạt động độc lập ở mỗi nước sở tại cũng như có cả network giữa các entities trên thế giới, vd với international client/ projects. Các công ty này không chỉ làm về audit mà còn tư vấn cả về nhiều lĩnh vực khác như Tax, Compliance, Merger & Acquisition, Accounting. Nếu làm trong Big4 thì thường bạn sẽ trong 1 service line cố định và chuyên về 1 lĩnh vực, ví dụ chỉ làm audit.
Sau Big4 là Next 10, trong đó nổi bật là BDO, Mazars, Baker Tilly hay ở Đức có Ebner Stolz. Các công ty này cũng có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra còn có các văn phòng (Kanzlei) vừa và nhỏ. Những công ty kể trên thì dịch vụ của họ không rộng như Big4, chủ yếu làm về Tax và Audit. Nếu bạn làm ở một trong những công ty hay văn phòng này, thường bạn sẽ làm Tax và Audit song song, khác với ở Big4.
Mình làm ở Big4 nên sẽ nói nhiều hơn về Big4. Bắt đầu ở các công ty kiểm toán thường là vị trí Consultant. Trung bình từ 1 đến 3 năm thì bạn sẽ lên Senior Consultant (tùy quy định của từng công ty và khả năng cá nhân). Sau đó sẽ đến các grade là Manager, Senior Manager, Director (chỗ mình có nhưng ở các công ty khác có thể không) và cao nhất là Partner. Thường thì lên Senior Consultant (hoặc tương đương, vd ở KPMG gọi là Assistent Manager) thì ai cũng làm được nhưng để lên đến Manager thì cần có khả năng chuyên môn cũng như softskills. Đặc biệt bạn nào làm audit thì phải thi đỗ Wirtschaftsprüferexamen thì mới được lên Manager. Kì thi này cũng khá khó (và khá đắt), hầu hết mọi người sẽ thi chặng 1 là Steuerberaterprüfung trước rồi mới thi WP. Các công ty Big4 đều có budget để hỗ trợ bạn học thi StB và WP.
Nhìn chung môi trường làm việc ở Big4 trẻ và năng động. Manager trở lên thì cũng lớn tuổi hơn nhưng hầu hết đồng nghiệp trẻ nên cũng rất thoải mái và vui vẻ. Đó là do Big4 hay các công ty kiểm toán thường là nơi lý tưởng cho các bạn mới ra trường cần thu thập kinh nghiệm. Trong team thì cũng có Senior Consultant, Manager và các sếp bự hơn nhưng hầu hết là làm việc rất thoải mái, ý kiến của mình là Consultant cũng được lắng nghe chứ không phải chỉ sếp mới đưa ra quyết định.
Nhìn chung môi trường làm việc ở Big4 trẻ và năng động. Manager trở lên thì cũng lớn tuổi hơn nhưng hầu hết đồng
Ngoài kiến thức cơ bản ở trường thì bạn còn phải trang bị thêm các kỹ năng/kiến thức chuyên biệt gì của lĩnh vực này?
Cá nhân mình thấy Big4 và các công ty kiểm toán đặc biệt ở chỗ hầu hết là Learning on the job và Learning by doing. Thế nên nếu bạn không biết cái gì thì hãy cứ mạnh dạn, tự tin, cái gì không biết thì mình hỏi và tự nghiên cứu thêm. Còn đương nhiên kiến thức kế toán cơ bản thì không bao giờ là thừa. Mình có nền tảng chắc thì đi làm sẽ thuận tiện hơn. Mình làm nhiều về IFRS (International Financial Reporting Standard) nên thấy học cái này thêm rất quan trọng nếu bạn làm nhiều về Accounting Services. Nếu có thời gian các bạn có thể học thêm US GAAP (chuẩn kế toán của Mỹ). Thường bây giờ đi audit các tập đoàn lớn, đa quốc gia thì cũng yêu cầu IFRS rồi, thế nên nếu trau dồi thêm thì cũng tốt cho bản thân và công việc. Luật kế toán thì thật sự là nếu bạn chưa phải Manager và học WP thì cũng không cần quá quan trọng hóa. Trong công việc thì bạn sẽ được hướng dẫn ví dụ audit position này thế nào,vì sao, etc., nói chung là Learning on the job.
Bạn nào làm trong ngành này mình khuyên là luyện Excel. Không cần quá cao siêu nhưng cũng phải biết những thứ cơ bản, tự tin khi dùng excel. Bạn nào giỏi hơn thì có thể VBA, Power BI, Jedox, Tableau.
Trong ngành này, bản thân mình thấy nền tảng thì vẫn như thế nhưng hay có những đổi mới trong luật. Gần đây trong IFRS thì có IFRS 9, 15, 16 và sắp tới là IFRS 17. Mỗi khi có những đổi mới do thay đổi luật hay trend thì các công ty đều có chuẩn bị từ sớm và có tài liệu để train nhân viên thế nên mình cũng không cần lo lắng.Ngoài kiến thức chuyên môn như là học luật kế toán, excel thì các bạn nên tập cho mình phong thái tự tin đĩnh đạc. Bạn sẽ không chỉ làm việc với đồng nghiệp trong team và ngoài team mà phải làm việc với client. Đặc biệt bạn nào làm audit thì sẽ được đi phỏng vấn và trò chuyện với clients thường xuyên. Thế nên phải ăn nói đĩnh đạc, tự tin :D.
Làm việc trong ngành này cần linh động khủng khiếp. Sẽ có lúc bạn làm ngày làm đêm, nhiều overtime. Có lúc thì bạn chả có việc gì mà làm. Bạn nào làm kiểm toán thì sẽ có busy season từ tháng 10 đến tháng 3, đây là khoảng thời gian bận nhất, sau đấy là lai rai đến hè, ít việc hơn. Có nhiều bạn thích dồn nghỉ phép với overtime rồi nghỉ 6 đến 8 tuần hè là chuyện thường (vì hè audit cũng chả có việc mấy, thường là planning thôi). Overtime thì tùy chính sách công ty. Công ty mình là PwC thì có thể dồn lại rồi abbauen khi nào có thể. Có công ty khác thì 1 phần overtime được tính luôn trong lương, hoặc cũng có công ty trả lương cao hơn chút nhưng ko trả overtime, tức là bạn phải sắp xếp để xong việc mà ít tăng ca nhất có thể.
Về learning curve thì mình nghĩ là rất được, đặc biệt là trong 2 năm đầu cho các bạn mới ra trường. Bạn nào làm audit trong 2 năm đầu cũng thấy mình “tiến hóa” nhiều bậc. Dần dần thì do công việc lặp lại mà thi WP lại khó nhằn nên các bạn bỏ đi tìm cơ hội ở công ty khác. Hấp dẫn là các bạn làm ở WP thì hay được các công ty ở ngoài kia hốt rất nhanh và ở ngoài kia các công ty khác trả lương tốt hơn, công việc thì trung bình là nhẹ nhàng hơn làm Big4 hay các công ty ngành kiểm toán. Chuyện này thì các công ty Big4 và kiểm toán đều hiểu. Họ tự coi mình là cơ sở đào tạo nghề :D.
Bạn có lời khuyên gì cho một bạn sinh viên muốn lập nghiệp trong lĩnh vực Kiểm toán?
Mình khuyên bạn là định hướng từ sớm, tạo cho mình 1 nền tảng vững chắc về kế toán. Ngoài ra mình chân thành khuyên tất cả các bạn là hãy làm thực tập để hiểu thật sự kiểm toán là làm gì. Mình làm ở Big4 đã 3 năm và trước đó cũng có làm thực tập nên gặp rất nhiều bạn thật sự không hiểu kiểm toán là gì và công việc đó thật sự là gì. Nhiều người thực tập xong thì vỡ mộng.
Còn bạn nào mà chắc chắn muốn theo kiểm toán hay muốn vào các công ty kiểm toán làm thì chú ý chọn major ở trường về Finance, Accounting thì sau này sẽ liên quan hơn và đi xin thực tập hoặc xin việc chính sẽ dễ hơn.
Lúc đi phỏng vấn nhiều khi ăn nhau là thần thái, nên cố gắng tạo phong cách tự tin sáng ngời thì sẽ ăn điểm hơn.
Bạn nào mà muốn lên cao trong kiểm toán thì có thể tìm hiểu các chương trình học Master đặc biệt, sẽ được công nhận thay cho một vài phần trong bài thi WP. Các bạn có thể search Audit Excellence hoặc Master 13a sẽ ra ngay. Đó là cũng là 1 cơ hội thú vị để vừa học Master vừa đi làm ở Big4. Ngoài ra gần đây còn có thêm modularisation WP, bạn có thể giãn các bài thi WP ra dài hơn chứ không cần như trước đây, mọi người thi StB rồi thi WP. Như thế thì mình sẽ linh động sắp xếp thời gian được tốt hơn.
Nói chung là bạn nào muốn hỏi gì thêm thì có thể liên hệ trực tiếp. Như đã nói, mình không làm kiểm toán mà làm tư vấn IFRS, GAAP Conversion và 1 số thứ khác liên quan đến Deals. Nếu bạn nào có hứng thú có thể liên hệ xD.
Cuối cùng, bạn nào thích làm kiểm toán, mình khuyên là nên đi học lái xe vì nhiều khi client của các bạn ở chỗ xa xôi hẻo lánh nào đó, nếu không đi ô tô thì cũng hơi mệt mà busy season thì mùa đông khá lạnh, yên tâm công ty sẽ trả tiền xăng xe cho các bạn.
Ngoài ra, chúng mình cũng đang mở một khảo sát nhỏ về nhu cầu hướng nghiệp của cộng đồng VSNE, gồm 4 câu hỏi, để hiểu hơn những tâm tư trăn trở của các bạn trong học tập và lập nghiệp, qua đó có thể hỗ trợ các bạn một cách tốt nhất. Chỉ cần 3 phút, tham gia ngay khảo sát của VSNE nhé!