Big Data Analytics, Spark, Machine Learning, Kerras, GitLab, MySQL…những thuật ngữ vừa được nhắc đến chắc hẳn không quá xa lạ với “dân IT”. Nhưng để chuyên gia trong lĩnh vực IT một mình thành lập Startup riêng có lẽ là một điều khá thú vị và mới mẻ.
Trong TalkSpace #7, chúng mình sẽ cùng làm quen với anh Nguyen Minh Tuan – Founder của công ty Datics Consulting. Sinh ra tại Việt Nam và lớn lên tại Đức, anh Tuấn có xuất phát điểm như bao sinh viên khác: tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính (computer science) và thạc sĩ chuyên ngành hệ thống thông tin quốc tế (international information system). Với bước đệm kiến thức vững chắc cùng đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ thông tin, anh Tuấn đã trải nghiệm học tập và làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và không những thế, anh còn làm nhiều dự án riêng liên quan đến lĩnh vực của mình cũng như đã từng giữ những vị trí quan trọng như Quản lý dự án (project manager), chuyên viên tư vấn trong mảng công nghệ về dữ liệu và phát triển big data.
Datics Consulting
Anh Tuấn đã liên tục xây dựng niềm đam mê và thu lượm được bề dày nhiều năm kinh nghiệm trong những tập đoàn IT lớn như Siemens, NTT, BMW…cũng như thấy được điểm khác biệt trong bài toán công nghệ của các “ông trùm IT”, anh Tuấn đã quyết định thành lập một startup riêng. Từ đó Datics Consulting đã ra đời.
Tại Datics Consulting, khách hàng – là những tập đoàn và các công ty sẽ được cung cấp cũng như hỗ trợ những công nghệ mới để giúp cho hành trình số hoá của công ty trở nên hiệu quả và tối ưu nhất. Đơn cử có thể kể đến dịch vụ di chuyển dữ liệu bảo mật từ On Prem sang Cloud, hay cải thiện mã code để tối ưu hoá mô hình AI. Và hàng loạt những công nghệ tiên tiến khác. Nhóm khách hàng mà startup này hướng tới là hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực tự động hoá, tài chính và y tế.
Thông qua buổi trò chuyện TalkSpace số thứ 7, anh Tuấn đã có đôi lời chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân cũng như giải đáp các thắc mắc xung quanh câu chuyện thành lập công ty Datics.
Đối với những bạn đang học trên trường cũng như những bạn đang muốn chuyển đổi sang ngành IT, thì theo anh những kỹ năng và kiến thức bổ trợ nào là cần thiết để trang bị cho công việc đầu tiên của các bạn ở môi trường làm việc?
IT là một mảng rất rộng. Ở đây anh lấy một ví dụ nếu như anh muốn làm một ứng dụng về web thì anh cần ít nhất 5 người cho một team: product manager, product owner – người đi nói chuyện với các đối tác/ bên liên quan (stakeholder), tech development gồm front và back end và cuối cùng là người thử nghiệm (test).
Như thế tùy vào bạn muốn làm ở mảng nào. Chẳng hạn như nếu bạn muốn làm ở mảng lập trình hệ thống thì bước đầu tiên bạn cần tìm hiểu là ngôn ngữ lập trình thịnh hành, bây giờ là Python. Với front end thì sẽ là Javascript. Khi bạn đã học được một ngôn ngữ lập trình thì việc học ngôn ngữ khác sẽ dễ dàng hơn. Đối với các bạn muốn nhẹ phần tech hơn thì có thể chọn mảng product owner, với phần này thì bạn nên trang bị cho mình kiến thức về Scrum Master, bây giờ đã có khá nhiều khóa học online cho các bạn lựa chọn.
Về cá nhân, anh Tuấn đã từng có thời gian đi trải nghiệm ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Vậy những chuyến đi như thế đã mang lại cho anh những bài học gì? Có giúp anh trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình trong công việc hay không?
Khi anh quyết định sang Trung Quốc làm việc cho công ty BMW, cũng đã vấp phải sự không đồng tình từ bố mẹ. Khi đó anh đã có suy nghĩ hay là mình học tiếp cho xong? Bây giờ khi nghĩ lại trải nghiệm lúc ấy, khi đi ra khỏi vùng an toàn, điều đó khiến anh phải biến mình thành một người năng động hơn.
Vì khi sang Trung Quốc, khó khăn lớn nhất của anh chính là không biết tiếng, nên anh phải chủ động tìm bạn nhờ giúp đỡ. Điều đó đã giúp anh tăng khả năng truyền đạt thông tin hơn rất nhiều. Do không thể giao tiếp lưu loát nên anh sử dụng mọi thứ như ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt ý muốn của mình. Và cứ mỗi lần được đi như thế, anh lại khám phá thêm được cái gì đó mới của bản thân. Ở đây, anh muốn nói là, nếu như có cơ hội, thì khi còn trẻ, còn là sinh viên hãy tranh thủ đi nước này nước khác, hãy tận dụng nó ngay khi có thể, vì sau này đi làm nhỡ đâu không còn cơ hội như thế nữa.
Thế anh cảm thấy việc học quan trọng hơn hay việc đi để trải nghiệm như vậy quan trọng hơn?
Cả hai. Tùy vào các bạn sau này muốn làm gì. Không nhất thiết phải đi để học cái mới, nếu các bạn chỉ muốn làm lập trình, các bạn chỉ cần chuẩn bị cho mình từ duy (mindset) tốt và tập thêm các kỹ năng mềm (soft skill) là được.
Khi đi làm nếu bạn muốn phát triển cao thì không phải chỉ giỏi mỗi IT thôi là được, mà còn những kỹ năng khác như là giao tiếp, làm việc nhóm. Các bạn phải cân bằng được những thứ này. Vì thế, nếu chỉ đi mà không học thì sẽ rất tệ, mà chỉ học thôi không trải nghiệm xung quanh thì cũng không hay. Quan trọng là các bạn phải biết cách cân bằng.
Về công ty, trong quá trình thành lập Datics Consulting, bản thân anh đã là một người rất có kinh nghiệm trong mảng IT rồi. Tuy nhiên, để thành lập một startup thì cần có rất nhiều kiến thức nền (background) khác nhau, đặc biệt là về kinh doanh (business). Thì anh có gặp khó khăn trong những bước đầu thành lập công ty hay không?
Cách đây mấy năm, ngoài việc làm ở công ty IT thì anh có làm cho một tổ chức từ thiện tên ACO – Asia Charity Organisation. Đó là nơi có các bạn trẻ người Việt và các bạn là người Việt lớn lên ở Đức cùng nhau chung tay hỗ trợ tổ chức quyên góp tình nguyện để gửi về Việt Nam cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn về mặt giáo dục.
Khi anh làm việc bên đó, thời gian hoạt động trong tổ chức tổng cộng là bốn năm. Thì trong quãng thời gian anh làm chủ tịch cho ACO, anh đã học được cách quản lý cũng như các kỹ năng về mảng tài chính, về mảng project management. Nếu anh không tham gia, anh sẽ không biết và không đủ dũng cảm để mở công ty riêng.
Ngoài IT thì còn cần rất nhiều kỹ năng khác như nhân sự (HR), tài chính (Finance), phát triển kinh doanh (Business Development). Anh có kinh nghiệm gì khi xây dựng các team này trong khi bản thân lại là một chuyên gia IT?
Khi xây dựng Datics, nhờ vào phần thời gian làm việc ở ACO anh đã học được cách cấu tạo hệ thống bên trong công ty. Chẳng hạn như bên ACO có những team gì anh cũng sẽ dựa vào đó mà tạo nên một cấu trúc hơi giống như thế cho công ty của mình.
Ngoài ra việc đọc sách cũng rất là quan trọng, việc tìm kiếm cơ hội để được nói chuyện với các founder khác hay chỉ đơn giản là những người làm trong mảng IT thôi thì mình đã có thể thu nhập thêm nhiều thông tin hữu ích rồi. Đọc nhiều sách còn giúp giảm bớt đi nỗi sợ hãi của chính bản thân.
Ngoài ra, còn những vấn đề như những lợi ích cũng như bất lợi khi làm việc ở công ty lớn là gì. Sự khác biệt trong việc tìm ra giải pháp giữa các công ty startup và các tập đoàn lớn như thế nào, tầm nhìn cũng như tiêu chí lựa chọn thành viên trong công ty ra sao. Tất cả mọi thứ các bạn có thể tìm xem đầy đủ trên kênh Youtube của VietStartup. Đừng bỏ lỡ những lời khuyên từ anh Tuấn cũng như màn giải đáp thắc mắc từ khán giả ở cuối chương trình nhé!