Xuất hiện ở tập Podcast thứ 3 của Vietsibilty, khách mời Phương Nguyễn đã chia sẻ nhiều điều thú vị về hành trình phát triển bản thân của anh qua thời gian học tập và làm việc tại nhiều môi trường quốc tế.
Nền tảng là một sinh viên Việt Nam có thành tích học tập cao nhất tại trường Quốc Tế của Nhật Bản, Phương Nguyễn tiếp tục hoàn thành xuất sắc khoá thạc sĩ kép tại London School of Economics, Vương Quốc Anh và Copenhagen Business School, Đan Mạch.
Sau khi tốt nghiệp, Phương nhận được lời mời làm việc tại hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh lực Viễn thông và Tài chính & Công nghệ tại Châu Âu. Để có một lộ trình thăng tiến liền mạch sau bốn năm tốt nghiệp, hành trình của Phương Nguyễn ngoài sự tự tin thì anh luôn chứng minh cho mọi người thấy thái độ chủ động và cầu thị trong công việc.
1. Hành trình từ một thực tập sinh phòng nhân sự đến Head of App Developer Experience
Bắt đầu từ vị trí thực tập sinh phòng Nhân sự tại tập đoàn Viễn thông Telia, Phương Nguyễn thú thực bản thân anh không có nhiều kinh nghiệm về ngành nhân sự và cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Thuỵ Điển. Thay vì bỏ cuộc ở một công việc hoàn toàn mới, Phương luôn gửi tới bản thân lời động viên, “À mình sẽ làm được. Và người khác làm được, thì mình cũng sẽ làm được, miễn là mình cố gắng.” – điều này đã mang tới cho anh động lực để hoàn thành tốt nhất những công việc được giao.
Khi được đặt câu hỏi liệu có sự chuẩn bị nào trước cho lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp, anh Phương chia sẻ: “Quá trình chuẩn bị ở đây là nó thiên nhiều về mặt mindset, về mặt tinh thần của mình, nó không chỉ diễn ra trong một năm rưỡi anh làm Klarna đâu, mà nó diễn ra trong 2 năm mà anh làm ở công ty cũ nữa.”.
Với Phương Nguyễn, tự tin điều không tự nhiên có, mà là cả một quá trình anh tự phải nhắc nhở bản thân là mình sẽ làm được. Tinh thần chủ động và tự tin được anh thể hiện qua việc tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ ở môi trường làm việc, nhờ đó mà anh học hỏi được những kiến thức mới, và cả những cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân.
“Tìm được những thông tin, phải thấy được những cơ hội từ những thông tin đó và phải nắm bắt nó, thì sự chủ động là cái điều mà anh nghĩ là anh làm khá tốt trong những năm đi làm của mình.”
Nhớ lại khoảnh khắc nhận được lời mời làm tại Tập đoàn Viễn thông Telia, Phương đã rất bất ngờ vì chính anh chưa từng có kinh nghiệm sống tại Thuỵ Điển. Và đặc biệt, ngành nhân sự vốn là lĩnh vực khá đặc thù về luật lao động, yêu cầu nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu về thị trường hơn là kiến thức sách vở.
Gạt đi sự tự ti của một nhân viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm, Phương đã xây dựng những kết nối mới với các đồng nghiệp tại công ty. Thay vì chỉ báo cáo với một cấp trên, Phương chủ động đặt lịch hẹn với những Vice President khác trong cùng một mảng công việc.
Thông qua những cuộc trò chuyện, Phương nhận về những chia sẻ quý giá và ý tưởng mới trong công việc, ví dụ như ý tưởng Kỹ thuật số hoá toàn bộ phận nhân sự bằng cách áp dụng công cụ Robotic Process Automation (RPA). Nhìn nhận được tiềm năng của vấn đề, Phương đã tự đề cử chính mình cho những nhiệm vụ mới. Một trong số thành tích đầu tiên của Phương, là thực thi thành công dự án tạo ra một robot tự động hoá quá trình vận hành một nhiệm vụ trong hoạt động của phòng nhân sự. Nhớ về khoảnh khắc tự tiến cử đấy, Phương thú thực, bản thân anh cũng không tin là có thể tự làm được dự án này.
”Anh chỉ nghĩ đơn giản là mình mới đi làm, trong trường hợp xấu nhất nếu mà mình không deliver được, thì đây là những điều nó mới người ta không có quan tâm lắm. Anh chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi.”
Chính nhờ thái độ cầu thị và chủ động, Phương đã chứng tỏ với cấp trên và đồng nghiệp, về năng lực và sự nhiệt huyết của anh đối với công việc. Bài học mà anh chia sẻ với Vietsibility, sự tự tin và chủ động là hai điều đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của anh.
Trong 2 năm làm việc tại Klarna, Phương Nguyễn đã trải qua 4 lần thuyên chuyển và thăng tiến, từ phòng nhân sự sang bộ phận phát triển phần mềm, Phương nhìn nhận đây là thành quả anh đạt được trên hành trình phát triển bản thân.
“Lúc đó, người tuyển dụng của anh muốn tuyển một nhân viên có đầy đủ tất cả những yếu tố mà người đó cần là: educator, có những trải nghiệm nhất định trong Product management, phải biết những kiến thức về information architecture,… người ta dùng những cái terms mà thật sự tới bây giờ anh cũng không hiểu rõ nó là cái gì đâu. Thế nhưng thông qua cuộc nói chuyện với người tuyển dụng – hiện tại là sếp của anh – cũng chỉ nói với anh: Tôi thích cái sự năng động của bạn, nên thôi tôi để cho bạn là thử.”
Để chứng tỏ cho cấp trên quyết định lựa chọn anh cho vị trí đó là điều đúng đắn, trong 6 tháng đầu tiên, Phương đã bắt tay vào đảm nhiệm những công việc mà anh chưa hề có kinh nghiệm, một trong số đó là việc xây dựng một hệ thống quản lý kiến thức.
Việc tự chủ động tìm kiếm thông tin và hoàn thành công việc một cách cẩn trọng nhất đã giúp hành trình phát triển của Phương xa và nhanh hơn. Với những trải nghiệm đa dạng ở nhiều vị trí và môi trường làm việc, Phương bổ nhiệm vào vị trí trong đội ngũ lãnh đạo tại Klarna.
Cho thấy, tinh thần sẵn sàng làm những điều mới, thái độ tự tin và chủ động trong công việc chính là một bước đệm, một nền tảng vững chắc để những người làm kinh doanh và công nghệ vươn lên những vị trí cao hơn.
Phương nhấn mạnh rằng việc xây dựng một “generalist profile” chính là giá trị bất biến trong công việc của anh. Thời điểm mới đi làm, ai cũng sẽ muốn bản thân phải làm thật giỏi, thật tốt một mảng công việc, ví như văn hoá Việt Nam có câu “Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” – thế nhưng so với hành trình của Phương, câu nói này có lẽ không phù hợp.
Trong công việc, Phương Nguyễn chưa từng ngần ngại tìm kiếm cơ hội thuyên chuyển sang nhưng bộ phận khác, dù công việc có không liên quan với nhau. Phương tin rằng, hồ sơ làm việc trong những năm đầu nên được mở rộng, vì nó giúp cho anh có sự linh hoạt trong việc đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường.
4 năm làm việc tại Thuỵ Điển, hành trình phát triển của Phương Nguyễn được anh gói gọn trong 3 điều đó là:
- Sự tự tin & chủ động
- Xây dựng các mối quan hệ mới
- Tinh thần cởi mở để giữ cho bản thân một “generalist profile”
2. Hành trình chuyển đổi từ tập đoàn lớn và lâu năm sang doanh nghiệp start-up tiềm năng bậc nhất Châu Âu
Trong vòng 4 năm làm việc trong 2 môi trường khác nhau, Phương Nguyễn đã tích luỹ được nhiều những trải nghiệm quý giá. Nhận định về sự khác nhau giữa một tập đoàn lâu đời và một doanh nghiệp trẻ tại Châu Âu, Phương cho biết, môi trường làm việc tại tập đoàn viễn thông Telia, nơi có lịch sử phát triển lâu đời đi kèm với hệ thống vận hành cồng kềnh, các cơ hội làm việc thường được đánh giá và trao đi dựa trên năm kinh nghiệm và cấp bậc. Bên cạnh đó, mọi dự án cần được lên kế hoạch cụ thể trong một thời gian dài, khoảng một năm với những thời hạn hoàn thành rất kỹ càng, nhằm đảm bảo mọi thứ phải diễn ra đúng chính xác. Từ lúc có ý tưởng cho tới khi được chấp thuận là một quá trình rất dài, đi qua các xét duyệt của nhiều cấp bậc quản lý khác nhau. Trái lại, một doanh nghiệp Fintech trẻ là Klarna, các quyết định trao quyền được diễn ra nhiều hơn, và quy trình vận hành chú trọng vào sự nhanh gọn. Các dự án được lên kế hoạch theo từng quý, được thực thi và kiểm tra từng chút một.
Những trải nghiệm này đã giúp Phương nhận ra rằng, khác biệt trong cách làm việc giữa hai môi trường ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của từng cá nhân. Khi mà những dự án được diễn ra và kết thúc trong một thời gian ngắn hơn, đồng nghĩa với việc một người nhân viên sẽ có thêm nhiều cơ hội làm những mảng khác nhau trong thời gian ngắn hơn và từ đó học được nhiều thứ hơn.
Với bản thân Phương, anh sẽ ưu tiên làm việc cho một công ty trẻ và năng động như Klarna, nơi anh được học hỏi và trải nghiệm nhiều nhất trong giai đoạn tuổi trẻ. Tuy vậy, tạo ra ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định tại một tập đoàn lớn cũng là một trong số những kỹ năng quan trọng mà Phương muốn tôi luyện. Theo anh, tạo ra ảnh hưởng nhất định đối với người khác sẽ khó và thách thức hơn nhiều khi làm việc tại một tập đoàn lớn, nhưng nếu mình làm được nó tác động rất lớn cho tổ chức.
“Anh nghĩ là ở mỗi độ tuổi, hay ở một khoảng thời gian nào đó, thì công việc của mình nó sẽ đòi hỏi những tác động ở cấp bậc cao hơn, hoặc là tính chất của công việc nó không đơn thuần là chúng ta đi vào chi tiết, chúng ta deliver sản phẩm nữa, mà chúng ta làm nhiều hơn về các mối quan hệ ở trong công ty. Thì đối với bản thân anh, anh cũng không có bận tâm nếu mà sau này anh phải quay lại làm ở một tập đoàn lớn”.
3. Công nghệ luôn thay đổi, bạn đã sẵn sàng để chuyển đổi?
Phương Nguyễn chia sẻ, đến thời điểm bây giờ, các công ty truyền thống cũng bắt đầu học hỏi từ những công ty công nghệ mới về cách quản trị và làm việc linh hoạt, thay đổi ứng biến một cách nhanh kịp thời với môi trường.
‘Những nhân viên có kỹ năng “T-shaped” trở nên sáng giá hơn bao giờ hết, đặc biệt tại các công ty công nghệ.’
Hành trình phát triển ở nhiều mảng công việc hoàn toàn không liên quan tới nhau, khi nối lại những thành quả mà Phương đạt được trong khi đảm nhiệm những vị trí đó, đã tạo cho anh một chiều sâu nhất định về lĩnh vực quản lý dự án và các bên liên quan. Từ đó, Phương có thể tự thiết kế ra được các KPI để tính toán được hiệu suất của các dự án, giao tiếp hiệu quả với các stakeholders và end-users, …
Nhìn chung, đây là những kỹ năng cần thiết, dù các công việc không liên quan với nhau về mặt chuyên môn và kỹ thuật, thế nhưng chúng đều mang lại nhiều giá trị phổ quát mà Phương nhận ra có thể áp dụng ở bất cứ môi trường nào. Nhờ đó đã giúp cho Phương hiểu hơn về bản thân, những việc mình đang làm, và có cái nhìn xa hơn về sự nghiệp của anh.
Trong công việc, Phương không ngại đặt ra những câu hỏi cho cấp trên và đồng nghiệp, cho tới khi các người cộng sự có thể làm sáng tỏ mọi thứ để Phương hiểu rõ được vấn đề. Thông qua thời gian và trải nghiệm, Phương luôn tự chú ý và nhìn nhận từ đó tự rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân, nhờ đó giúp anh thích ứng với công việc nhanh chóng hơn.
Mời bạn lắng nghe toàn bộ chia sẻ của anh Phương trong tập 3 của Vietsibility Podcast nhé!