Sách Việt ở trời Tây

Talkspace #11 cùng một vị khách mời đặc biệt, chị Ng Qui Quynh Hanh với chủ đề ”Sách Việt ở trời Tây”.

Ra mắt từ đầu năm 2021, Tiệm Mọt nhanh chóng trở thành tủ sách Việt được quan tâm chào đón ở châu Âu và đang dần lan ra thị trường Úc cùng Bắc Mỹ. Trong vòng chưa đầy một năm Tiệm Mọt đã có 9 chi nhánh tại: Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, Na Uy, Bỉ, Anh Quốc, Đức, Canada và Úc, cung cấp cho độc giả những đầu sách đa dạng thông qua dịch vụ shipping toàn Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, Tiệm Mọt còn tạo ra một góc giao lưu  cho những bạn trẻ có niềm đam mê đọc sách. Trong tương lai Tiệm  không chỉ mong muốn mang sách Việt ra nước ngoài, mà còn đem tri thức mới từ nước ngoài về tới Việt Nam.

Tiệm Mọt

Tiệm Mọt là một tiệm sách tiếng Việt tại nước ngoài với website là https://tiemmot.com/. Trong vòng hơn sáu tháng đầu tiên hoạt động, tiệm đã xây dựng được hệ thống chi nhánh tại 9 nước ở ba lục địa  với hơn 10 nghìn lượt theo dõi trên các trang mạng xã hội. 

Tiêu chí hoạt động của Tiệm Mọt là  mang sách Việt đến bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống. Bên cạnh việc kinh doanh thì tiệm cũng có hoạt động phi lợi nhuận hướng tới cộng đồng như: tủ sách cho tặng – Tiệm Mọt sẽ đóng vai trò trung gian cho độc giả trao đổi, mua bán sách với nhau.

Ý tưởng xây dựng nên Tiệm Mọt xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân chị Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh, từ mong muốn con mình được tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ trong những ngày tháng trưởng thành, để Việt Nam là một phần của con. Trong năm 2020, giữa lúcCovid hoành hành ở Châu Âu, việc nhờ vả vận chuyển sách từ Việt Nam sang châu Âu hầu như là không thể.  Loay hoay mãi,  cuối cùng chị quyết định xây dựng một thương hiệu kinh doanh, tự nhập sách cho bản thân mình. Dần dà, chị Hạnh liên kết với sáu người đồng đội cùng chí hướng để mở rộng việc kinh doanh. Cả đội cùng có một niềm đam mê với sách, với việc  gieo mầm tình yêu với tiếng Việt trong lòng các bạn nhỏ sinh ra ở nước ngoài..

Bây giờ chúng ta hãy cùng xem qua một vài điểm chính thú vị khi phỏng vấn cùng chị Hạnh nhé.

Tự mình làm một công việc buôn bán, kinh doanh như thế thì không hề đơn giản một tí nào. Khi vận hành thì chắc chắn sẽ có những việc mình không biết. Thế chị đã làm thế nào để cho việc kinh doanh được hoạt động một cách trơn tru như vậy?

  • Đúng là nó không dễ dàng như mọi người hay chính mình từng nghĩ khi  mới bắt đầu. Chị cũng đã phải ngã sứt đầu mẻ trán nhiều lần rồi thì mới học được những bài học quý giá. Và cũng một phần là khi mình bắt đầu thì chính cái guồng quay của nó đã thúc mình phải học thêm nhiều điều khác. Chẳng hạn như ban đầu là tìm hiểu những thứ liên quan đến pháp lý: khi thành lập doanh nghiệp là như thế nào, giấy tờ như thế nào, có những hình thức công ty nào,… 
  • Với các startup thì bao giờ ban đầu các founder cũng phải đảm nhận rất nhiều vai trò, sau này to dần lên thì mình mới phân chia ra được các bộ phận. Do trước đây chị học ngành International Business nên mỗi thứ mình đều phải biết một tí, cái gì cũng cần phải trau dồi cho tốt hơn cả. Thời gian ấy chị cảm thấy rất căng thẳng khi việc gì cũng phải tự mình làm, nhưng mà qua rồi thì mình nhìn lại mình cảm thấy mình học được rất nhiều khi tham gia vào tất cả quá trình vận hành. 

Như chị đã chia sẻ thì trước đây chị từng làm tiếp viên hàng không trong năm năm. Thế thì chị cũng đã đi nhiều nước và có nhiều trải nghiệm khi các nước sử dụng những ngôn ngữ khác nhau. Thông qua những trải nghiệm đó thì hị nghĩ tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ là như thế nào?

  • Có một điều thú vị ở Phần Lan là khi các bạn nhỏ đi học thì nhà trường và cô giáo luôn khuyến khích là bố mẹ phải nói ngôn ngữ mẹ đẻ với con. Và họ khuyến khích mình đăng ký với nhà trường là ngôn ngữ của con là gì, sau đó họ còn khuyến khích là mình cho con đi học thêm ngôn ngữ đấy để cho con nói giỏi viết giỏi. Họ nghĩ rằng một đứa trẻ nói giỏi ngôn ngữ mẹ đẻ thì mới là nền tảng để có thể giỏi những ngôn ngữ khác.
  • Chị rất là thích cách suy nghĩ đó. Cá nhân chị cũng tin rằng tất cả ông bố bà mẹ ngoài kia dù là người nước ngoài hay Việt Nam thì cũng chẳng ai muốn con mình một ngày nọ sau khi vươn ra thế giới thì quay lại giao tiếp với mình bằng tiếng nước ngoài cả. Chị luôn nghĩ ngôn ngữ là cầu nối giữa cha mẹ và con cái. Chị mong muốn là dù hằng ngày dù con đi chơi hay đi học bằng  một ngôn ngữ khác, nhưng khi con về nhà tâm sự thì có thể kể  với mình về thế giới ngoài kia bằng tiếng Việt mà không gặp khó khăn nào về giao tiếp. Do đó chị luôn nghĩ trong đầu là phải gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho con.

Công việc kinh doanh của chị là về sách – một nguồn kiến thức cho mọi người. Chị có thể chia sẻ một chút về việc kiểm duyệt nội dung chất lượng sách, cũng như việc hợp tác với các nhà xuất bản khi đưa sách của Tiệm Mọt đến người đọc được không ạ?

  • Về nguồn sách thì Tiệm Mọt luôn cố gắng duyệt trực tiếp từ các nhà xuất bản tại Việt Nam để mang đến đầu sách mới nhất, chất lượng về mặt nội dung lẫn hình thức. Tại vì những năm gần đây thị trường sách Việt Nam rất là sôi động, văn hóa đọc ở Việt Nam cũng đã thay đổi rất là nhiều khi mà mọi người đọc sách nhiều hơn. Các nhà xuất bản cũng hoạt động năng suất,đưa được nhiều sách hay về hay là sản xuất thêm được nhiều đầu sách.
  • Về nội dung thì tất nhiên là khi sách được xuất bản ở Việt Nam thì đã phải được kiểm duyệt qua rồi. Còn về sự cảm nhận của mình, thì chị rất là muốn trực tiếp trải nghiệm để nói lên cảm nghĩ bản thân sau khi mà đọc cuốn sách đấy hay là sử dụng cuốn sách đấy cho con mình. Với nhiều đầu sách như hiện nay thì chị không thể trải nghiệm được hết, nhưng đó là một mục tiêu chị hướng tới để có thể đưa ra cảm nhận của mình về quyển sách sau khi đọc cho khách hàng.

Chị cảm thấy điều gì là khó khăn nhất khi xây dựng và phát triển Tiệm Mọt cho đến ngày hôm nay?

  • Cái khó khăn nhất chắc là quy trình. Khi mà số chi nhánh hiện tăng lên đến 9 thì công việc không còn đơn giản như khi chỉ có 1 chi nhánh nữa. Khi bắt đầu ở Phần Lan thì mình vào guồng rất là nhanh, nhưng khi số lượng chi nhánh tăng lên thì mình phải xây dựng được một quy trình để việcvận hành có thể trơn tru, chặt chẽ,  giảm thiểu sai sót.
  • Phải nói là chị rất may mắn khi có được một team có thể cùng nhau giúp đỡ lẫn nhau cũng như cùng nhau xây dựng nên Tiệm Mọt ngày hôm nay.

Tầm nhìn của chị cho Tiệm Mọt trong 5 năm tới là như thế nào ạ?

  • Tiệm Mọt luôn gắn với tiêu chí ban đầu là mong muốn có mặt ở bất cứ nơi nào có người Việt hay nhu cầu về sách Việt. Trong 5 năm tới thì chị hy vọng sẽ có thêm nhiều chi nhánh ở châu Úc và ở châu Á nữa. Mong rằng Tiệm Mọt sẽ là nơi đầu tiên mọi người nghĩ đến khi muốn mua sách Việt. 
  • Đồng thời bọn chị vẫn sẽ hướng đến những hoạt động cộng đồng như là hoạt động sách cho tặng. Vì ở nước ngoài sách Việt rất là quý mà đôi khi vì chuyển nhà hay nhà chật quá mọi người phải bỏ đi thì rất là tiếc. Do đó Tiệm Mọt muốn là cầu nối giữa mọi người và chị cũng rất là vui khi có thể kéo dài được vòng đời của mỗi quyển sách như thế. 

Ngoài ra, còn những vấn đề như cái tên Tiệm Mọt ra đời như thế nào; những khó khăn khi liên hệ với các nhà xuất bản, hiện tại Tiệm Mọt đang vận hành ra sao cũng như thay đổi văn hóa sách đọc qua sách nói,… Tất cả đều có thể tìm xem đầy đủ trên kênh Youtube của VietStartup. Đừng bỏ lỡ những lời chia sẻ của chị Quỳnh Hạnh cũng như màn giải đáp thắc mắc từ khán giả ở cuối chương trình nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *