Tổng Quan Con Đường Sự Nghiệp tại Đức (Phần 1)

Bạn vừa đặt chân đến nước Đức, có muôn vàn lựa chọn và chưa thể định hướng con đường mình muốn đi? Bạn đang đứng trước một cột mốc quan trọng mà không có đủ thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân mình? 

Trong số đầu tiên của Series “Lập nghiệp cùng VSNE”, chúng mình sẽ giới thiệu những cột mốc mà một người nước ngoài thường trải qua trong quá trình xây dựng sự nghiệp ở Đức. Liệu bạn đang ở giai đoạn nào, và chặng đường tiếp theo của bạn sẽ ra sao?

1. Đi làm Aushilfe hoặc Minijob

Ở giai đoạn học dự bị (STK) và những học kì đầu của đại học, các bạn sinh viên thường khó tìm được ngay một công việc đúng chuyên ngành. Để trang trải chi phí cuộc sống, nhiều bạn chọn lựa làm các công việc không thuộc chuyên ngành như bồi bàn, nấu bếp hay phụ giúp ở cửa tiệm (Aushilfe). Các công việc này tuy không trực tiếp giúp tích lũy kiến thức chuyên môn, nhưng lại hỗ trợ cải thiện các kỹ năng mềm như giao tiếp với đồng nghiệp, tổ chức và sắp xếp thời gian, giải quyết xung đột, v.v. Ngoài ra thì tùy thuộc vào môi trường làm việc, đây còn là một cơ hội tốt để các bạn vượt khỏi vùng an toàn để luyện tập tiếng Đức và có thêm thu nhập nữa!

Trong giai đoạn này, các bạn cần chú ý lựa chọn công việc trả ít nhất lương tối thiểu (Mindestlohn) và ký hợp đồng rõ ràng để đảm quyền lợi của bản thân. 

2. Thực tập (Praktikum)

Các bạn học Hochschule sẽ phải thực hiện một kỳ thực tập bắt buộc (Pflichtpraktikum/Praxissemester) kéo dài từ 5 đến 6 tháng, thường vào học kỳ thứ 5 hoặc thứ 6. Trong thời gian trước đó, trường đại học thường sẽ tổ chức các sự kiện hỗ trợ tìm kiếm và nộp đơn vào vị trí thực tập như: sửa sơ yếu lý lịch, định hướng nghề nghiệp, tổ chức hội chợ công việc (Jobmesse), v.v. Ngoài các hội chợ công việc ở trường, Praktikumsstelle còn có thể tìm ở các trang Jobbörse như Stepstone, Xing, LinkedIn hoặc theo dõi Stellenbörse của công ty mà bạn có hứng thú. Đối với Pflichtpraktikum thì các công ty có quyền trả dưới Mindestlohn, nên thu nhập trong giai đoạn này có thể dao động từ 500-1500€/tháng.

Các bạn học Universität thì không có một học kỳ riêng cho Pflichtpraktikum, nhưng có thể làm thực tập tự nguyện (freiwilliges Praktikum). Nhìn chung thì số vị trí thực tập tự nguyện thường ít hơn, vì nếu nó kéo dài hơn 3 tháng thì các công ty phải trả Mindestlohn. 

Theo ý mình, Praktikum là một trong những phần quan trọng nhất của Studium. Đây là một cơ hội lớn để áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp và đánh giá kiến thức còn thiếu. Ngoài ra, Praktikum còn xây dựng một nền tảng quan trọng cho các công việc tiếp theo nữa. 

VSNE phỏng vấn một bạn sinh viên đã từng làm Praktikum tại Đức.

Việc đi thực tập đã tạo ra những thay đổi gì trong định hướng nghề nghiệp của em?

Năm vừa rồi thì em may mắn là được làm 2 Praktikum liền kề nhau, ở hai môi trường khác nhau luôn. Praktikum đầu tiên em làm là ở Đức, làm trong một môi trường 100% người Đức,văn hoá Đức. Em bắt đầu đi thực tập là lúc vừa kết thúc học đại cương và chuẩn bị chọn chuyên ngành, lúc đó em còn phân vân giữa tài chính (finance) hoặc kế toán (accounting). Trước đó em không thích học môn kế toán, vì nghĩ nó khô khan. Sau khi em làm xong thực tập đầu tiên, em thấy là kế toán nó thực sự khô khan :D, nhưng nó là cái nôi cơ bản để mình có thể đi tiếp chuyên sâu (dù chuyên sâu là tài chính hay kế toán). Lúc đó em hiểu rõ được là, đôi khi để đạt được cái mình muốn, mình phải làm những điều có vẻ làm mình không thích nhưng thật sự cần thiết. Và may mắn là sau khi kì thực tập thứ hai em thật sự định hướng đường quá trình học đại học còn lại của mình, biết sau khi tốt nghiệp e sẽ đi theo đườnhg nào và biết mình cần phải bắt đầu, chỉnh sửa, phát triển từ đâu. 

Những điều em học được mà mang lại lợi ích sau này đó là: Văn hoá giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc. Vì những điều mình học và nhận được khi đi làm nó khác hoàn toàn ở Uni, nó yêu cầu mình nhìn nhận, trao đổi, giải quyết theo một cách khác. Nó cũng không mang tính cá nhân nhiều như ở Uni (ví dụ, học một mình, được lựa thầy, lựa bạn, lựa chọn những điều tốt cho mình). Khi đi làm nó không còn là một mình mà là một team, là đôi lúc mình sẽ gặp những người sếp khó tính, những đồng nghiệp thiếu thân thiện, những task yêu cầu sự hợp tác đồng đội nhiều (kiểu không biết thì hỏi, sẵn sàng giúp đỡ nhau, khi có xung đột thì mình trao đổi và giải quyết xung đột nhưng nào để không ảnh hưởng cả team/công việc).

Nếu được làm lại Praktikum lần nữa, em muốn thay đổi điều gì, vì sao?

May mắn sau hai lần thực tập, em đã hoàn toàn biết được mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào cần phát triển và cũng như hoàn thiện. Nên nếu có cơ hội thực tập nữa, em sẽ phát triển những điểm mạnh của mình và cải thiện những điểm yếu của em. Sau mỗi đợt thực tập, em đều chủ động có những buổi hẹn cafe cùng các đồng nghiệp để xin nhận những feedback chân thật nhất, và em nhận được những feedback rất tích cực và thẳng thắn cho mình (cả công ty ở đức và công ty việt nam). Các đồng nghiệp đều nhận xét em có điểm mạnh về những kỹ năng mềm, về cách làm việc nhóm, giải quyết vấn đề dù em chưa có nhiều kiến thức chuyên môn lắm và em luôn cố gắng theo sát và học hỏi. Kiến thức chuyên môn còn non nớt thì em cần dành nhiều thời gian và cơ hội để tăng cường chuyên môn, học hỏi nhiều hơn nữa. Vì thế, em xin phép không gọi đó là thay đổi mà em sẽ gọi là “tập trung phát triển điểm mạnh và cải thiện điểm yếu” nhé.

Praktikum có khiến em thay đổi một quyết định quan trọng nào không?

Thật ra Praktikum đã thay đổi suy nghĩ của em rất nhiều về con đường học. trong  ngành tài chính sự cạnh tranh rất mạnh mẽ, điều đó thúc giục mọi người học lên master, vì lương sẽ xứng đáng hơn, cơ hội công việc cũng nhiều hơn. nhưng khi em đi thực tập, em nhận ra rằng, học master với em thật sự nó khá hàn lâm, vì quá nhiều nghiên cứu và lý thuyết, nếu chỉ nhét những lý thuyết vào đầu nhưng không hiểu và thấy tận mắt thì lý thuyết đó cũng vô nghĩa. Thực tập xong nhận ra điểm đấy nên em đã thay đổi hướng đi của mình. Em muốn sau khi tốt nghiệp bachelor bắt đầu đi làm luôn, để em có thêm những góc nhìn đa dạng và kinh nghiệm thực tế trong ngành. Sau đó, em sẽ biết được mình thực sự có thích và muốn đi chuyên sâu không, sự chuyên sâu đó sẽ phục vụ cho mục đích gì của mình để chọn ra con đường sự nghiệp phù hợp nhất với bản thân em.

Đón chờ phần 2 của bài viết trên Blog của VSNE nhé!

Ngoài ra, chúng mình cũng đang mở một khảo sát nhỏ về nhu cầu hướng nghiệp của cộng đồng VSNE, gồm 4 câu hỏi, để hiểu hơn những tâm tư trăn trở của các bạn trong học tập và lập nghiệp, qua đó có thể hỗ trợ các bạn một cách tốt nhất. Chỉ cần 3 phút, tham gia ngay khảo sát của VSNE nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *