Tiếp nối phần một, trong bài viết này chúng mình sẽ kể thêm về Werkstudentenjob và Berufseinstieg, hai bước quan trọng trong con đường sự nghiệp của các bạn sinh viên sau thực tập hoặc đang ở những học kỳ cao hơn.
3. Werkstudentenjob
Werkstudentenjob là một công việc liên quan đến chuyên ngành, đòi hỏi kỹ năng làm và chuyên môn, và đây cũng là công việc yêu thích của nhiều bạn sinh viên. Về cơ bản, làm Werkstudent cũng tương đối giống với đi thực tập: bạn sẽ đảm nhiệm một số công việc đơn giản dưới sự giám sát của nhân viên cấp cao hơn, hỗ trợ dự án chung, hoặc đôi khi còn được tự làm một phần dự án. Điều khác biệt với Praktikum là bạn chỉ làm bán thời gian (tối đa 20 tiếng/tuần).
Công việc Werkstudent không chỉ giúp bạn cải thiện thu nhập, bồi đắp kiến thức chuyên môn mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ để chuẩn bị cho công việc chính thức.
Mức lương cho Werkstudent thường tương đối cao hơn lương tối thiểu. Các công việc Werkstudent có thể được tìm thấy ở các trang Jobbörse đã nêu ở trên cũng như LinkedIn và Studentenwerk ở thành phố bạn sống.
Dưới đây, VSNE xin chia sẻ với bạn trải nghiệm của một bạn sinh viên đối với Werkstudentenjob nhé.
Em có bao giờ nghĩ đến sẽ làm Werkstudent không? Rào cản nào khiến em chưa trở thành/tìm việc Werkstudent?
Em đã từng nghĩ đến việc làm Werkstudent rồi nhưng vì lịch học và thời gian không cho phép cũng như ở nơi em ở không có nhiều vị trí Werkstudent của ngành em (khó khăn về tìm kiếm, Qualifikation và thời gian)
Em nghĩ làm Werkstudent có mang lại lợi thế gì khi xin việc sau này cho em không?
Chắc chắn sẽ là lợi thế vì khi đi xin việc kinh nghiệm làm việc thực tế sẽ là một điểm cộng và gần như là một yếu tố quan trọng trong việc tuyển dụng.
Ở thành phố em sống thì các bạn thường làm thêm dạng nào? Minijob/Werkstudent/etc
Tại thành phố em sống (Hannover) các bạn chủ yếu làm minijob, teilzeit (bồi,…), số lượng nhỏ làm Werkstudent (thường rơi vào các ngành như Maschinenbau, Wirtschaft Engineer..).
4. Berufseinstieg
Đây chính là điều mà chúng ta đã dành cả tuổi thanh xuân để chuẩn bị!
Về cơ bản thì quá trình tìm việc cũng giống như tìm vị trí thực tập: tìm một vị trí muốn ứng tuyển, chuẩnbị hồ sơ, nộp và phỏng vấn. Điểm khác ở đây là yêu cầu của nhà tuyển dụng sẽ cao hơn, đôi khi là rất cao, tùy vào ngành nghề và côngty. Ở bước này, kinh nghiệm thực tiễn tích lũy trong quá trình làm Praktikum, Werkstudent sẽ cho bạn một lợi thế nổi trội so với các ứng cử viên khác.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong việc tìm được công việc đầu tiên, chúng mình đã có một phỏng vấn nhỏ đối với một bạn trẻ sắp tốt nghiệp Đại Học:
Em cảm thấy học xong Bachelor, em đã hình dung ra được con đường sự nghiệp cho tương lai chưa? Nếu có thì nó đã giúp em như thế nào? Nếu chưa thì vì sao?
Thực sự là chưa thể hình dung được hết. Bởi vì mảng Supply Chain khá rộng và nhiều vị trí, kinh nghiệm của em chỉ dừng lại ở Werkstudent ở hai bộ phận khác nhau, chỉ đủ để biết được đại khái tính chất công việc mình thích / phù hợp.
Em lựa chọn học tiếp Master hay đi làm luôn? Nếu đi làm luôn thì em có định học Master sau này không? Điều gì khiến em lựa chọn như vậy?
Em sẽ học tiếp Master. Sau một thời gian suy nghĩ, nhăm nhe đọc thử các Jobanzeigen thì em tự cảm thấy mình còn thiếu kiến thức ở nhiều thứ. Nhưng biết đâu được đấy, có thể lúc đang học em sẽ kiếm được một việc gì đó hay ho để thử sức bản thân mình với một công việc vollzeit đầu tiên, rồi quay về học tiếp cũng chưa muộn.
Em cảm thấy các kinh nghiệm đi làm (Praktikum và Werkstudent) có ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của em như thế nào?
Các kinh nghiệm đó giúp em làm quen với môi trường làm việc bên Đức, có cái nhìn thực tế về cách vận hành của công ty dịch vụ Logistik. Và giúp mình xác định mình có thực sự mong muốn gắn bó với những công việc như thế này ko, hay muốn phát triển sự nghiệp theo hướng đi nào. Ngoài ra nó cũng giúp em tự tin hơn khi xin việc sau này.
Quá trình tìm việc ở Đức phải trải qua những bước nào, liệu có dễ không? Làm thế nào để có được việc ngay sau khi ra trường? Thỏa thuận lương như thế nào? Vân vân và mây mây. Chúng mình sẽ thảo luận những vấn đề phức tạp này trong các số tiếp theo, các bạn nhớ đón đọc nhé!
Về lý thuyết thì năm bước trên là những bước cơ bản để tạo dựng sự nghiệp ở Đức. Tuy nhiên, không phải mọi người đều kinh qua đủ năm bước này, và thứ tự cũng có thể thay đổi một chút. Chúng mình biết rằng một hai bài viết ngắn ngủi chưa thể nào giải thích hết được con đường sự nghiệp ở Đức, càng không thể bao quát những kinh nghiệm khác nhau mà các bạn/anh chị đã trải qua. Nếu mọi người đã đi qua những “con đường” lập nghiệp đặc biệt thì hãy chia sẻ với chúng mình hoặc comment ở dưới bài viết nhé!